Bỏ cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên
Bộ Giáo dục – Đào tạo vừa ban hành thông tư bãi bỏ các quy định về kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên. Việc bãi bỏ thực hiện theo thông tư số 20/2019/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 26/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 15/01/2020.
Theo đó, chứng chỉ ngoại ngữ đã cấp theo Quyết định số 30/2008/QĐ-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 06/6/2008 vẫn có giá trị sử dụng. Các khóa đào tạo, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện trước ngày thông tư có hiệu lực vẫn được tiếp tục cho đến khi kết thúc.
Theo Quyết định số 30, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ – tin học được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo ba trình độ A, B và C. Tuy nhiên, ở nhiều đơn vị, tình trạng sát hạch, cấp chứng chỉ diễn ra lộn xộn. Nhiều người không học vẫn có chứng chỉ.
Chứng chỉ tiếng Anh A, B, C ra đời theo quyết định số 177 năm 1993 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, được cấp cho người hoàn thành các chương trình đào tạo tiếng Anh thực hành tương ứng với các mức độ cơ bản, trung cấp, nâng cao.
Ngày 2/12/2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 66 thay thế Quyết định số 177 năm 1993. Theo đó, chương trình giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành được thiết kế dựa trên Khung trình độ chung châu Âu, được chia thành 6 cấp độ. Trình độ cơ bản gồm cấp độ A1 và A2, trung cấp gồm B1, B2, cao cấp gồm C1, C2.
Theo vnexpress.net